Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng ở Điện Biên

(Mặt trận) - Với 694.753 ha diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp, chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó diện tích đất có rừng là 407.030 ha, cùng những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Điện Biên có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, giúp chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS.
Đồng thời, trồng cây dược liệu còn góp phần quan trọng trong bảo vệ rừng, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thuộc Tiểu dự án 3 của Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Các mô hình phát triển cây dược liệu

Nhằm phát triển cây dược liệu bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ đồng bào DTTS trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao từ các nguồn vốn ngành Nông nghiệp. Theo đó, tỉnh phê duyệt phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Tuần Giáo.

Mô hình trồng cây thảo quả đang được mở rộng sản xuất tại xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo). Ảnh: Báo Biên phòng

Hiện nay, huyện đẩy mạnh triển khai thực hiện phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, với tổng diện tích cây dược liệu khoảng 497,9ha: Thảo quả 83,5ha; sa nhân 140ha; sơn tra 206,1ha; sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu 3,3ha; ý dĩ 65ha. Trong nhiều năm nay, các diện tích cây sơn tra, thảo quả đã cho thu hoạch, giúp nâng cao thu nhập cho người dân các xã Tỏa Tình, Tênh Phông. Cụ thể, năm 2022, người dân xã Tênh Phông đã thu nhập gần 3 tỷ đồng sau khi thu hoạch 35 tấn quả khô thảo quả, với giá bán 70.000 - 80.000 đồng/kg. Cùng với đó, một trong những loài cây sinh trưởng tốt, cho sản lượng thu hoạch cao là cây sơn tra (táo mèo) và cây sa nhân cũng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo sinh kế cho người dân xã Tỏa Tình. Đến nay, xã có gần 150ha cây sơn tra, cho sản lượng khoảng 900 tấn quả tươi. Đồng thời, Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Tây Bắc chế biến quả sơn tra thành các sản phẩm có giá trị cao về mặt kinh tế. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện đã trồng khoảng 60.550 cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu từ 1 - 5 năm tuổi, với tổng diện tích trên 2ha. Năm 2025, huyện Tuần Giáo kỳ vọng diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn sẽ lên đến 200ha, trong đó diện tích trồng cây sâm phấn đấu đạt 40ha.

Tại huyện Điện Biên, mô hình phát triển cây dược liệu (sa nhân tím, quế) dưới tán rừng theo chuỗi giá trị liên kết được tập trung triển khai trồng tại 4 xã: Mường Pồn, Pa Thơm, Phu Luông, Mường Lói... với tổng diện tích 109,49ha (sa nhân 54,49ha; quế 55ha) giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Trong đó, từ năm 2017 – 2022, kinh phí thực hiện trồng cây sa nhân là 5,55 tỷ đồng. Với khí hậu nhiệt đới mát mẻ quanh năm, độ ẩm cao, xã Mường Pồn có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển nhiều loại cây dược liệu. Năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, xã đưa hơn 3,3ha sa nhân tím vào trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại bản Lĩnh. Do bản Lĩnh gần nguồn nước và không chăn thả gia súc nên sa nhân tím trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống gần 100%. Từ nguồn vốn các chương trình, xã tiếp tục mở rộng thêm hơn 30ha diện tích trồng sa nhân, nâng tổng số diện tích trồng sa nhân tím của xã lên gần 40ha trong giai đoạn 2019 - 2022. Toàn xã hiện có gần 30ha sa nhân tím tập trung chủ yếu tại bản Lĩnh và Mường Pồn 2 đã cho thu hoạch ổn định, trung bình 250kg quả khô/ha/năm. Với giá bán hiện nay khoảng 200.000 đồng/kg quả khô, mỗi năm 1ha sa nhân mang lại nguồn thu bình quân 50 triệu đồng, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân.

Thu hút đầu tư triển khai các dự án phát triển cây dược liệu

Tuy nhiên, việc phát triển các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế do mang tính chất tự phát; mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân chưa hình thành; vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến chưa xây dựng; thị trường đầu ra sản phẩm không ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua để đưa về các tỉnh miền xuôi hoặc bán sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, năm 2021, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Ðề án phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu phát triển thêm khoảng 2.000ha cây dược liệu. Tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động tổ chức điều tra, đánh giá cụ thể thực trạng, phân bổ, phát triển của các loại cây dược liệu quý rồi phân vùng, đầu tư phát triển theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa. Hơn thế nữa, cần ưu tiên huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình hỗ trợ người dân phát triển các dự án cây dược liệu. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế triển khai các dự án phát triển cây dược liệu trên địa bàn là một trong những nội dung chính của Đề án. Tỉnh đã đón gần 10 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu lập dự án về cây dược liệu từ năm 2021 đến nay.

Hiện nay một số doanh nghiệp, HTX đã trồng khoảng 3,3ha với tổng số 78.700 cây sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo. Trung tâm Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (Trường Ðại học Tây Bắc) trồng thử nghiệm cây đẳng sâm, giảo cổ lam, ý dĩ với diện tích 1ha/mô hình. Ðầu năm 2022, tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về “Trồng, chế biến, chuyển giao công nghệ và phát triển cây sâm ở Ðiện Biên, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh” với các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc.

 

Đầu tư phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng. (Ảnh minh hoạ)

Ðầu tháng 3/2023, Công ty Cổ phần Ðại An (tỉnh Hải Dương) đã đến Ðiện Biên khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số lĩnh vực thuộc thế mạnh của tỉnh, trong đó có dự án phát triển cây dược liệu nhằm nghiên cứu lập dự án phát triển cây dược liệu tại tỉnh Ðiện Biên.

UBND tỉnh, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các HTX giúp các doanh nghiệp đầu tư các vùng nguyên liệu tập trung; sản xuất, tinh chế, chế biến sâu nông sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Đẩy mạnh gìn giữ, phát triển cây dược liệu quý

Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ xây dựng, hình thành vùng sản xuất cây dược liệu quý chất lượng cao (sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, tam thất bắc, hoàng tinh hoa trắng,...) tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo với quy mô khoảng 200 - 300 ha, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, góp phần tạo sinh kế cho hơn 200 lao động; giảm nghèo cho trên 100 hộ. Thu hút đầu tư xây dựng 01 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm dược liệu và xây dựng tối thiểu 01 nhãn hiệu dược liệu.

Phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho ngành Y học cổ truyền. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung nghiên cứu, tuyển chọn và trồng thử nghiệm, đánh giá, làm cơ sở lựa chọn, nhân rộng các giống cây dược liệu quý có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện nơi trồng, với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Đối với những cây thuốc phân bố tự nhiên tại địa bàn, tiến hành bảo tồn nguyên vị và bảo tồn chuyển vị thông qua hình thức ươm trồng tập trung, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý, đồng thời thu hái giống cây để nhân rộng, làm cơ sở ươm trồng đại trà, từ đó tạo ra sự đồng bộ trong kế hoạch nuôi trồng và sản xuất. Mặt khác, các tổ chức, cá nhân chủ động liên hệ, lựa chọn và hợp tác chặt chẽ với các nhà vườn, doanh nghiệp uy tín có nguồn giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ theo quy định nhằm tiến hành chuyển giao, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ và phát triển bền vững các cây dược liệu quý không phân bố tự nhiên và không có nguồn giống trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tốt mô hình liên kết Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nhà nông - Ngân hàng, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, giúp hình thành và phát triển hướng đi với bốn mục tiêu chiến lược: Nguyên liệu xanh -; Công nghệ xanh -; Sản phẩm xanh -; Dịch vụ xanh. tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp sản phẩm từ cây dược liệu phát triển, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thực hiện Chương trình, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư dự án thí điểm liên kết chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý được triển khai tại 22 huyện của 21 tỉnh, với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao. Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý gồm liên kết nhà nông (vùng đồng bào dân tộc thiểu số), doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học chuỗi giá trị. Qua đó, thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ sản xuất quảng canh sang thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất an toàn; tạo sinh kế, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo.

Minh Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều