Phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk tham gia phát triển kinh tế

(Mặt trận) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk. Vai trò và vị thế của phụ nữ DTTS của tỉnh ngày càng được khẳng định, họ được khuyến khích, hỗ trợ tham gia đóng góp vào kinh tế gia đình và cộng đồng địa phương thông qua việc phát triển những mô hình sinh kế bền vững.

Phụ nữ DTTS Đắk Lắk vươn lên thoát nghèo bền vững (Ảnh: Ban Dân tộc Đắk Lắk)

Ngày 24/5/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 1189/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, trong đó Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; với mục tiêu cụ thể trong đó là xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải hiện cơ hội sinh tế, tạo cơ hội tạo thu nhập và lồng ghép giới; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện…

UBND tỉnh Đắk Lắk đã phân công Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện Dự án 8 với dự kiến nguồn vốn để thực hiện là 79,622 tỷ đồng, trong đó: ngân sách trung ương: 72,384 tỷ đồng (vốn sự nghiệp); ngân sách địa phương: 7,238 tỷ đồng (vốn sự nghiệp); và vốn huy động hợp pháp khác.

Nằm trong khuôn khổ Dự án 8, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức tập huấn và tư vấn hỗ trợ kỹ thuật ứng dụng công nghệ 4.0 cho trên 80 hội viên phụ nữ thuộc các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Ea Súp. Thông qua lớp tập huân, hội viên phụ nữ DTTS được tiếp thu các nội dung như tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; phần mềm quản lý, chuyển đổi số trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh; đăng ký nhãn mác, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm sản xuất, sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương nhằm hỗ trợ phát triển các các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, HTX có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ hoạt động hiệu quả, có tính bền vững.

Một trong những mô hình kinh tế tập thể HTX do phụ nữ DTTS làm chủ đã và đang phát triển thành công ở Đắk Lắk đó là HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột.  Không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa, HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông còn tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, mang đến thu nhập ổn định, giúp hàng chục hộ gia đình từng bước thoát nghèo.  Hiện các thành viên làm việc tập trung tại HTX có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình . Không chỉ dệt sản phẩm thổ cẩm, HTX còn nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm bằng việc cắt may. Vì thế, sản phẩm của HTX ngày càng phong phú và có quy trình sản xuất khép kín từ khâu dệt, may, thêu hoàn thiện sản phẩm. Với mẫu mã đa dạng như y phục nam nữ, túi xách, cà - vạt, khăn trải bàn, túi đựng hạt thơm, gối tựa lưng, áo dài, quần áo trẻ em… sản phẩm của HTX được nhiều người trong và ngoài tỉnh sử dụng.

 

Nhiều phụ nữ DTTS tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế (Ảnh: Báo Đắk Lắk)

Nhiều phụ nữ DTTS làm nông nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa ngành nghề và hoạt động tạo thu nhập, bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong đó nổi bật là mô hình sản xuất hạt dinh dưỡng, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ DTTS tại thôn Tân Bắc, xã Ea Toh, huyện Krông Năng. Tận dụng nguồn nguyên liệu mắc ca tại địa phương, mô hình sản xuất khởi đầu với quy mô nhỏ lẻ, chỉ khoảng 3 tấn/năm. Đến nay, quy mô sản xuất được mở rộng, tăng sản lượng lên khoảng 20 tấn hạt/năm. Sản xuất ổn định đã tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương.

Tháng 9 vừa qua, Hội LHPN huyện Ea Súp ra mắt 3 mô hình “Hộ gia đình phụ nữ DTTS cải tạo đất quanh nhà trồng rau, kết hợp nuôi gà an toàn phát triển sinh kế” tại 3 xã Cư Kbang, Ea Lê và Ya Tờ Mốt. Mỗi mô hình có 5 thành viên là hội viên phụ nữ DTTS tham gia. Hoạt động của mô hình nhằm giúp chị em thay đổi nhận thức trong quá trình phát triển kinh tế; thay đổi tư duy, tự tin, dám nghĩ, dám làm, phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện và khả năng của hộ gia đình; biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất; sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều