Quan tâm, phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại Nghệ An

(Mặt trận) - Nằm trong nhóm DTTS có khó khăn đặc thù ở Nghệ An, người Đan Lai là dân tộc ít người, có thói quen sinh sống hoang dã ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, giáp biên giới Việt Nam - Lào ở huyện Con Cuông. Ngày nay, nhờ sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người nơi đây đang từng bước đổi thay.

Những cuộc “giải cứu” giúp tộc người Đan Lai hòa nhập cộng đồng

Tộc người Đan Lai khoảng 3.000 người sinh sống ở huyện Con Cuông, trong đó chủ yếu ở hai bản Cò Phạt và bản Búng. Đây là hai bản trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, biệt lập với các bản làng khác. Do điều kiện cách biệt về địa lý, điều kiện lịch sử và các tập tục lạc hậu, cuộc sống tộc người Đan Lai dựa vào rừng, chủ yếu là săn bắn, hái lượm và phát rừng làm rẫy nên thiếu đói quanh năm; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra nhiều. Tộc người này có chiều hướng suy thoái giống nòi, suy dinh dưỡng, còi cọc, trình độ dân trí thấp, bệnh tật ốm đau xảy ra thường xuyên, điều kiện đi lại để chăm sóc điều trị khó khăn, hạn chế về giao lưu tiếp xúc với xã hội bên ngoài.

Ảnh minh họa: Những mái nhà của người Đan Lai nằm lẩn khuất trong vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát.
Trước vấn đề cấp bách của tộc người Đan Lai, năm 2001, đánh dấu một bước ngoặt với tộc người Đan Lai khi tỉnh Nghệ An có chủ trương di dời 36 hộ dân ra khỏi rừng sâu, đến định cư vùng gần trung tâm xã. Đó là cuộc di cư “lịch sử” của tộc người này. Họ được định cư tại 2 bản Tân Sơn và Cửa Rào, thuộc xã Môn Sơn.

Tuy nhiên, phải đến năm 2006, khi Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia, thì đó mới là một cuộc “giải cứu” thực sự, khi đặt mục tiêu di dời 146 hộ gia đình người Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt ra khỏi rừng sâu. 30 hộ còn ở lại bản Cò Phạt sẽ được đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm… để làm điểm du lịch sinh thái; tổ chức ổn định sản xuất, đời sống cho các hộ đồng bào Đan Lai đã di chuyển năm 2002 ra ở tại 2 bản Tân Sơn và Cửa Rào, xã Môn Sơn.

Theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An số 472/BC-UBND ngày 5/8/2019 về Tổng kết thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An” địa phương đã hỗ trợ tổ chức sản xuất, đời sống cho các hộ đồng bào Đan Lai đã di chuyển tái định cư tại xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông; tổ chức ổn định đời sống cho các hộ tại bản Cò Phạt. Các hộ tái định cư đã ổn định sản xuất và đời sống tăng thu nhập hơn nơi ở cũ, đồng bào bước đầu đã biết giao lưu trao đổi hàng hóa; sản xuất phát triển, bước đầu có thu nhập, đời sống đồng bào ổn định. Các hộ dân tái định cư đều được hỗ trợ tiền di chuyển 03 triệu đồng/hộ, đồ dùng sinh hoạt và lương thực thời gian là 12 tháng mức hỗ trợ tương đương 30kg gạo, mua sắm đồ dùng sinh hoạt: giường, chiếu, chăn, màn.

Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, có 7 công trình nằm trong danh mục đề án do UBND huyện Con Cuông làm chủ đầu tư đã thực hiện gồm: Xây dựng các công trình năm 2007 để di dời 42 hộ dân đến tái định cư tại bản Kẻ Gia – điểm tái định cư số 1; xây dựng trạm bơm điện Tân Sơn, xã Môn Sơn; xây dựng 01 công trình thủy lợi gắn với nước sinh hoạt tưới cho 40 ha ruộng nước và phục vụ sinh hoạt cho 36 hộ và nhân dân trong vùng; cấp điện khu tái định cư đồng bào Đan Lai, xã Thạch Ngàn; làm đường từ trung tâm xã đến bản Cò Phạt, xã Môn Sơn; đường từ trung tâm xã Thạch Ngàn đến bản Bá Hạ; xây dựng khu tái định cư và hỗ trợ sản xuất đời sống cho 35 hộ tái định cư tại vùng Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn; cải tạo đồng ruộng và xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào tộc người Đan Lai tái định cư tại hai bản Tân Sơn và Cửa Rào, xã Môn Sơn. Ngoài ra, Chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2007 – 2012 và giai đoạn 2017 – 2020 từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng 05 phòng học tiểu học tại bản Cò Phạt.

 

Ảnh minh họa: Lớp mầm non ở bản Cò Phạt

Nhờ đó các công trình giao thông nối trung tâm xã Môn Sơn vào hai bản và đường nội bả có nhiều chỗ được đổ bê tông. Tại trung tâm các bản đã có điểm trường, bệnh xá quân y, nhà nội trú giáo viên, nhà văn hóa… chắc chắn. Sóng điện thoại 3G và điện lưới thắp sáng đã phủ gần kín hai bản.

Song song đó, việc bảo tồn và phát triển văn hóa, xã hội đối với người Đan Lai cũng đã trở thành hoạt động mang tính “kế sách” lâu bền. Con em đồng bào Đan Lai trong vùng lõi Vườn quốc gia đã được vận động ra các trường trung tâm xã, huyện để học, nhằm tạo nguồn lâu dài và hướng nghiệp về sau phục vụ địa phương thôn bản. Phòng khám quân dân y kết hợp tại hai bản Búng và Cò Phạt đã có nhiều chương trình và định kỳ trong việc tuyên truyền sức khỏe sinh sản, phòng chống bệnh sốt rét, ăn ngủ hợp vệ sinh, nuôi nhốt gia súc và gia cầm xa khu dân cư, sử dụng nước hợp vệ sinh…

Với sự vào cuộc tích cực với phương châm “cầm tay chỉ việc” của cả hệ thống chính trị, hai bản của tộc người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia đã có 16 ha sản xuất lúa, gần 10 ha sản xuất ngô và khoảng 1.000 con trâu, bò. Người dân đã biết sản xuất lúa nước 2 vụ, sản xuất ngô 1 vụ, biết trồng cây ăn quả và rau quanh nhà sàn. Nhiều diện tích lúa ở vùng lõi của đồng bào ở Vườn quốc gia đã cho năng suất 60 tạ/ha, ngô chừng 39 - 42 tạ/ha. Nhiều hộ dân cũng đã mua sắm máy cày đa chức năng để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Các chính sách, chương trình hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất, giáo dục, y tế… cho người dân Đan Lai đã được thực hiện và mang lại hiệu quả. Ngoài hỗ trợ giống, cây con, dụng cụ sản xuất, nhu yếu phẩm…, Vườn quốc gia đã tạo sinh kế cho người dân, bằng hình thức giao khoán bảo vệ rừng. Từ năm 2013 - 2017, đã có 834 lượt hộ đồng bào Đan Lai tại bản Búng và Cò Phạt nhận khoán hơn 18.323 lượt ha rừng. 

Khó khăn, thách thức và những giải pháp trong giai đoạn mới

Tuy nhiên, theo thống kê đến nay có 82/146 hộ người Đan Lai chưa được di dời ra khỏi vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát để đến điểm tái định cư mới. Nguyên nhân huyện Con Cuông đưa ra do nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ hàng năm đạt tỷ lệ thấp nên không đủ nguồn vốn thực hiện, đáp ứng đúng tiến độ đã đề ra. Điểm tái định cư số 3 bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn do quỹ đất không đủ điều kiện để lập dự án và thiếu nguồn nước sinh hoạt nên không được triển khai.

Ngoài ra, việc lập quy hoạch tái định cư chưa sát, đúng, phù hợp điều kiện thực tế, quỹ đất và nguồn nước chưa đảm bảo điều kiện tái định cư. Đồng bào Đan Lai phần đông còn ngại xa rời nơi ở cũ, quen tập quán sống khép kín lâu đời trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát.

Hiện nay người Đan Lai ở bản Cò Phạt và bản Bủng với hơn 220 hộ, 1.200 nhân khẩu, có 1 hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo. Với diện tích trông lúa, ngô còn hạn chế, hộ nhiều nhất có 1 sào đất, còn phần lớn các hộ khác chỉ có những miếng ruộng nhỏ, trâu vào cày khó quay đầu, canh tác không được bao nhiêu. Đường từ trung tâm xã Môn Sơn dẫn vào 2 bản xa rất khó khăn, 20km đường rừng, đất trơn trượt, có khi dốc dựng đứng, rồi khúc khuỷu như tay áo. Cuộc sống người Đan Lai còn rất nhiều khó khăn. Rất cần sự chung tay, quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng và Nhà nước để người Đan Lai ổn định, phát triển.

Tiếp tục chung tay bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai, Chương trình MTQG 1719 đã có những nội dung triển khai thực hiện tại hai bản Búng và Cò Phạt. Theo Chương trình MTQG 1719 thì có nhiều nội dung sẽ được đầu tư cho người Đan Lai ở vùng lõi VQG. Đó là, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ phát triển cộng đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ khai hoang cải tạo đất sản xuất, giống, vật tư sản xuất; hỗ trợ về giáo dục, văn hóa, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người Đan Lai.

Hiện tại, thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719, với nội dung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhóm DTTS rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, đã có 2 dự án được khởi công xây dựng. Đó là xây dựng kè chống sạt lở và bến đò cho khu vực dân cư bản Khe Búng và Cò Phạt; xây dựng công trình điện sinh hoạt cho cụm dân cư khe Lẻ và Co Kè thuộc bản Cò Phạt.

Để thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719, nguồn vốn được cấp năm 2022 là hơn 15,8 tỷ đồng, đã giải ngân 609 triệu đồng. Nguồn vốn được cấp năm 2023 là 5,7 tỷ đồng. Trong Tiểu dự án 1 của Dự án 9 có nội dung chính sách riêng cho tộc người Đan Lai, trong đó có cả vốn sự nghiệp để thực hiện nội dung sinh kế, đất ở, văn hóa, xã hội... Tuy nhiên, năm 2022 chưa được bố trí vốn để triển khai thực hiện. Năm 2023, nguồn vốn sự nghiệp được cấp là 1,5 tỷ đồng, dự kiến sẽ hỗ trợ cây, con giống, chuồng trại, vật tư nông nghiệp, nhà vệ sinh cho bà con hai bản Cò Phạt và bản Búng.

Nhằm giúp đồng bào từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của tộc người thiểu số Đan Lai, UBND tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét công nhận tộc người Đan Lai (thuộc dân tộc Thổ) là một Dân tộc riêng biệt để được hưởng chính sách đặc thù của Đảng và nhà nước. Đề nghị Chính phủ sớm thu hồi đất của Vườn quốc gia Pù Mát giao lại cho địa phương để cấp đất ở, đất sản xuất cho nhân dân 02 bản Cò Phạt và bản Búng xã Môn Sơn huyện Con Cuông; Điều chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ lên mức cao hơn đối với nhân dân các xã biên giới, có thể đầu tư với số lượng đối tượng hưởng lợi ít nhưng kinh phí tập trung cho một đối tượng tăng lên để giảm nghèo một cách bền vững. Nâng cao định mức hỗ trợ nhân rộng mô hình sinh kế nhằm tạo điều kiện triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ kinh tế trên địa bàn với mục đích nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân.

Hoàng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều