Quan tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào Khmer

(Mặt trận) - Tỉnh Kiên Giang có gần 15% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó, đồng bào Khmer chiếm tới 13% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung ở các xã vùng nông thôn, biên giới. Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình), từng bước thay đổi diện mạo vùng đồng bào Khmer, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc...

Đồng bào Khmer ở Kiên Giang phát triển kinh tế

Nhằm triển khai thực hiện Chương trình, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, ngày 30/12/2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, trong đó nhấn mạnh mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân.

Tỉnh Kiên Giang phấn đấu thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tăng hơn 2 lần so với năm 2020; hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 1,5-2%/năm, phấn đấu có ít nhất 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn... Thực hiện Chương trình, tỉnh được Trung ương phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển trên 66,4 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 57,7 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương đối ứng trên 8,6 tỷ đồng.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo. Qua quán triệt, triển khai thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đồng bào Khmer  hiểu và tích cực lao động, sản xuất, mạnh dạn áp dụng các mô hình kinh tế mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Theo thống kê, cuối năm 2017, tỉnh Kiên Giang có 6.723 hộ nghèo là đồng bào Khmer nhưng đến cuối năm 2022 chỉ còn 2.485 hộ. Nhờ nguồn vốn từ triển khai các dự án thuộc Chương trình, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư mới, việc vận chuyển hàng hóa của người dân thuận tiện, thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển sinh kế cho đồng bào Khmer một cách toàn diện.

Trong quá trình triển khai các chính sách dân tộc, tỉnh Kiên Giang quan tâm việc hỗ trợ các mô hình sinh kế, tạo việc làm cho đồng bào Khmer. Toàn tỉnh đã triển khai 77 dự án, hỗ trợ 254 hộ đồng bào Khmer với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng… Nhờ đó đã khuyến khích, hỗ trợ nhiều mô hình, cách làm hay đang giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn các xã, thị trấn thoát nghèo. Như hỗ trợ nghề đan giỏ lục bình, ở xã Phong Đông; mô hình trồng rau màu ở ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc...,  đặc biệt, với mô hình canh tác theo hình thức sản xuất bền vững như tôm - lúa, tôm - cua, đang giúp cho nhiều hộ Khmer có nguồn thu nhập ổn định,  làm giàu chính đáng.

Đời sống đồng bào Khmer ngày càng được nâng cao

Nhờ nắm bắt được xu thế mới từ các mô hình kinh tế tập thể, toàn tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 500 hợp tác xã (HTX) và trên 2.000 tổ hợp tác đang hoạt động, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như tại huyện Châu Thành - một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 30,32% dân số toàn huyện. Đồng bào dân tộc sống rải rác trong phum, sóc và trên các tuyến kênh, cụm dân cư, thường sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, đời sống còn nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương,vận động người dân phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, trong đó mô hình HTX kiểu mới có nhiều ưu điểm nổi bật, phát huy được hiệu quả, nông dân tự làm chủ trên thửa ruộng của mình. Trong đó có HTX nông nghiệp Tân Hưng, từ 29 thành viên với 60ha đất nông nghiệp tại cánh đồng Tam Giác ban đầu, nay đã phát triển lên 325 hộ dân tham gia HTX Tân Hưng với 6 cánh đồng - tổng diện tích 512ha lúa hai vụ. Từ 50 triệu đồng vốn điều lệ nay đã tăng lên 1,1 tỷ đồng và tài sản cố định hơn 6 tỷ đồng. . Nhờ tư duy đổi mới, các thành viên trong HTX đã thoát nghèo, nhiều hộ gia đình có đời sống khá giả.

Huyện Giồng Riềng - một trong những vùng lúa trọng điểm của Kiên Giang, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Từ rất sớm, địa phương đã xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể là giải pháp quan trọng để giải quyết  thực trạng khó khăn của địa phương đó là tình trạng ruộng đồng manh mún với thị trường bấp bênh và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu…

Nhằm đẩy mạnh kinh tế tập thể, HTX, mới đây, UBND huyện Giồng Riềng đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 -– 2025. Mục tiêu lớn nhất của giai đoạn này là sáp nhập, phấn đấu đến năm 2025 chỉ còn khoảng 90 HTX nông nghiệp. Trước mắt, năm 2022 sẽ sáp nhập 12 HTX có diện tích nhỏ thành 5 HTX lớn với hơn 1.200 hộ thành viên và gần 1.000ha, tập huấn, hướng dẫn cấp mã vùng trồng cho 50-70 HTX, phấn đấu cuối năm có khoảng 10% HTX loại giỏi, không còn yếu kém... Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang còn chú trọng đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản, trong đó tập trung thực hiện nghị định, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết trong tiêu thụ nông sản. Kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên doanh, liên kết với các HTX hằng năm. Hiện tại, đã giới thiệu được hơn 358 HTX của tỉnh, hơn 75.000ha diện tích sản xuất của các HTX được tiếp cận trong liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, các thành viên HTX cũng được giới thiệu tiếp cận các nguồn tín dụng. Đã có hơn 1.200 hộ sản xuất được hỗ trợ vay vốn mua máy móc thiết bị với số tiền 733 tỷ đồng.

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều