Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) - Nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình), tiểu dự án phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, đã được ban ngành các cấp ở các tỉnh, thành trên cả nước tích cực triển khai thực hiện. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi nước ta.

Tăng cường tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật tới đồng bào DTTS

Để công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào DTTS và miền núi đạt hiệu quả, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tiễn của từng địa phương. MTTQ phối hợp cùng Ban Dân tộc và các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, công chức, người có uy tín và đồng bào DTTS bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Ngày 28/7/2022, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBDT Phê duyệt kế hoạch truyền thông về Chương trình. Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hình thức thực hiện bao gồm tổ chức hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc đến các cơ quan truyền thông, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương tới địa phương và các đối tượng liên quan trực tiếp đến Chương trình. Các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền chính sách dân tộc bao gồm tờ gấp, sách bỏ túi, cẩm nang pháp luật, sổ tay truyền thông và các ấn phẩm, tài liệu khác (ưu tiên các ấn phẩm song ngữ đối với các dân tộc có chữ viết).

Tại tỉnh Cao Bằng, từ năm 2021 đến nay, Ban Dân tộc tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chương trình trong giai đoạn I từ năm 2021 - 2025…, với hơn 8.000 lượt người tại các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hòa An và Thạch An tham dự. Các huyện tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi tại các xã, thị trấn; sản xuất 15 file tuyên truyền, 18 bài chuyên mục phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh và xe lưu động đến các xóm, điểm chợ trên địa bàn huyện. 4 tháng đầu năm 2023, Ban Dân tộc tổ chức 16 hội nghị tại 16 xã thuộc 3 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang với 1.366 lượt người tham gia.

Là tỉnh miền núi có đông đồng bào DTTS, những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cơ quan chức năng trong tỉnh Hòa Bình phối hợp triển khai thực hiện tốt. Năm 2022, toàn tỉnh tổ chức được 2.105 cuộc tuyên truyền cho hơn 334.864 lượt người. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn được phối hợp với các cơ quan truyền thông để truyền tải thông tin đến người dân qua các chương trình, chuyên mục trên sóng truyền thanh truyền hình, báo in và các trang thông tin điện tử. Ngoài ra, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua bản tin của các ngành, đoàn thể; tủ sách pháp luật; câu lạc bộ pháp luật ở cơ sở; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý... Qua đánh giá, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần làm chuyển biến về nhận thức, thay đổi hành vi, nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong vùng đồng bào DTTS. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, công tác vận động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tân Lạc là huyện miền núi có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 85%, dân tộc Kinh chiếm 14,5%, còn lại là các dân tộc khác. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện 182 cuộc tuyên truyền cho 18.388 lượt người nghe; tại các buổi tuyên truyền, đã nhân bản và phát hành miễn phí trên 4.525 bộ tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào. Nội dung pháp luật được tập trung vào các luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua năm 2022 và 2023 có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, chủ trương, nhiệm vụ cải cách và hoạt động tư pháp, cải cách hành chính. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, thực hiện Chương trình; các chủ trương, chính sách pháp luật phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú

Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có 24 xã thuộc vùng DTTS và miền núi, có 14 xã khu vực III và 71 thôn đặc biệt khó khăn, với nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, bao gồm: Dân tộc Pa Cô, Dân tộc Tà Ôi, Dân tộc Cơ Tu, Dân tộc Vân Kiều...

Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Dân tộc đã tổ chức 11 hội nghị trực tiếp phổ biến, giáo dục pháp luật với 440 lượt đại biểu tham gia; tổ chức 5 lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho 250 người; phát hành Bản tin Dân tộc và Miền núi (250 quyển/quý). Đối tượng tham gia tuyên truyền, tập huấn bao gồm cán bộ cấp xã, thôn/bản, người có uy tín, lực lượng cốt cán trong đồng bào DTTS - lực lượng được ví là  “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đội ngũ cán bộ thôn, bản có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở những thôn, bản khu vực miền núi, vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa.

Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung các văn bản liên quan thiết thực đến đời sống của đồng bào DTTS như: Luật Dân chủ ở cơ sở, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Công tác vận động phát triển kinh tế - xã hội góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại các xã biên giới và xã thuộc vùng đồng bào DTTS; Công tác vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS tại xã biên giới và xã thuộc vùng DTTS tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự nơi sinh sống... Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS và miền núi tại tỉnh Sóc Trăng được triển khai tích cực. Cụ thể, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 10 cuộc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kết hôn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thực trạng về chăm sóc sức khỏe sinh sản và bạo lực, mua bán và xâm hại trẻ em, nhất là trẻ em gái, các biện pháp bảo vệ và chăm sóc trẻ em vị thành niên. Đồng thời, cấp 3.200 tờ bướm pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, 9.600 cuốn sách luật gồm: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho trên 3.200 đại biểu tham dự là học sinh và giáo viên tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tổ chức 11 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân vùng đồng bào DTTS tham gia tổ chức thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh năm 2022 và cung cấp trên 1.800 cuốn tài liệu tập huấn, 21.000 tờ rơi về pháp luật song ngữ Việt - Khmer cho trên 1.800 đại biểu là người dân ở vùng đồng bào DTTS, người có uy tín, các chức sắc, chức việc tôn giáo vùng đồng bào DTTS...

Để nâng cao nhận thức hiểu biết cho đồng bào DTTS về quy định của pháp luật, Chương trình với Thông tư 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần thực hiện theo 3 nguyên tắc sau: Kiên trì, thường xuyên, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; Khuyến khích sử dụng ngôn ngữ dân tộc, ưu tiên hình thức phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều