Trà Vinh: Bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Với đặc điểm là nơi sinh sống của nhiều DTTS, đông nhất là đồng bào Khmer, Hoa, Chăm, tỉnh Trà Vinh là nơi hội tụ những nét văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng. Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy tiềm năng, thế mạnh bản sắc văn hóa DTTS địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc.
 Nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở Trà Vinh 

Với mục tiêu triển khai hiệu quả Chương trình, ngày 19/7/2022, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 1333/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn từ năm 2021-2025 (Chương trình) trên địa bàn. Trong đó, UBND tỉnh Trà Vinh đã phân công Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh, các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Dự án 6 theo Hướng dẫn số 677/HD-BVHTTDL ngày 03/3/2022 của Bộ VHTTDL thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án 6 theo định kỳ, đột xuất về Ban Dân tộc tỉnh. Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Dự án 6: 58.896,10 triệu đồng.. Tỉnh xác định mục tiêu cụ thể của Dự án này là khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Việc triển khai Dự án 6 tại tỉnh Trà Vinh đã tạo thêm nguồn lực quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS. Qua đó, nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc .

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 30 thiết chế văn hoá, thể thao ấp được đầu tư; 01 công trình văn hóa phi vật thể và 01 lễ hội được phục dựng, bảo tồn; 01 làng truyền thống phục vụ phát triển du lịch; 01 mô hình văn hóa truyền thống được xây dựng, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian được thành lập; 01 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi được xây dựng. 

Hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống được tỉnh Trà Vinh quan tâm thực hiện trong thời gian qua. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức tác lập, phê duyệt, thực hiện quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đúng quy định hiện hành. Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Trà Vinh xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo 22 di tích. Sở VHTTDL cũng phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan, các đơn vị tư vấn thực hiện việc khảo sát, rà soát các di tích xuống cấp đã hoàn thành việc lập dự án trình các ngành chức năng tỉnh xem xét thẩm định.

Công tác sưu tầm, trưng bày giá trị văn hóa cũng được đầu tư. Hàng năm, Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh tiếp tục công tác sưu tầm, trưng bày, kiểm kê và bảo quản hiện vật theo quy định; tham mưu xây dựng các hồ sơ văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh để đưa và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Đăng ký thực hiện nội dung Dự án 6 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 theo Hướng dẫn số 677/HD-BVHTTDL ngày 03/03/2022 của Bộ VHTTDL để sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đang có nguy cơ mai một.

 

Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer

Ngoài việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, tỉnh Trà Vinh còn chú trọng quảng bá văn hóa và phát triển du lịch. Với đặc điểm dân cư của tỉnh có tới 31% là đồng bào dân tộc Khmer nên ngành VHTTDL Trà Vinh luôn quan tâm đầu tư và nâng cao có hiệu quả các giá trị văn hóa dân tộc. Hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra sôi nổi, nhiều cuộc thi, liên hoan về nghệ thuật dân tộc Khmer được tổ chức trong các dịp tết cổ truyền, lễ hội của đồng bào dân tộc như: Liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc, trang phục, múa không chuyên; Liên hoan văn nghệ Đội tuyên truyền lưu động; Liên hoan Đờn ca tài tử, Hội thi Tuyên truyền lưu động thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; Tham gia các cuộc Hội thi, Hội diễn, Liên hoan cấp khu vực và toàn quốc.

Hàng năm, ngành VHTTDL Trà Vinh đã in ấn và phát hành 02 số nội san văn hóa bằng chữ Khmer trong dịp lễ Chol Chnam Thmây và lễ Sêne Đolta. Trung tâm văn hóa tỉnh có đội Thông tin tuyên truyền lưu động Khmer vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức của quần chúng, vừa tuyên truyền chính sách pháp luật của nhà nước đến với người dân. Cùng với đó, liên hoan nghệ thuật quần chúng Khmer, các hội thi trình diễn trang phục dân tộc, hội diễn… cũng được tổ chức thường xuyên.

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1995, đến nay đã sưu tâm, hệ thống hóa, trưng bày trên 1.000 hiện vật thể hiện rõ nét văn hóa, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán của đồng bào Khmer. Toàn tỉnh đã có 42 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được công nhận là các cơ sở thờ tự. Riêng lễ hội Ok Om Bok đã được Bộ VHTTDL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trở thành điểm nhấn độc đáo trong phát triển du lịch văn hóa của tỉnh. Từ năm 2022, Lễ hội Ok Om Bok đã được tỉnh gắn kết tổ chức cùng lúc với Tuần lễ Văn hóa, Du lịch – Liên hoan ẩm thực Nam Bộ (một chương trình quảng bá du lịch, văn hóa kết hợp xúc tiến thương mại, sản phẩm công nghiệp nông thôn và OCOP cũng rất thành công tạo được điểm nhấn của tỉnh Trà Vinh).

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều