Nhiều dấu hiệu bất thường trong báo cáo tài chính Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hà Nội: Bài học ngăn chặn, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước

(Mặt trận) - Là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội, thế nhưng ngoài dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích như đã nêu, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hà Nội còn lộ rõ nhiều bất thường trong hoạt động, đặc biệt một số khoản mục trong báo cáo tài chính trải qua 3 thế hệ lãnh đạo của Công ty “bỗng dưng” tăng cao đột biến lên đến hàng tỷ đồng khiến đơn vị kiểm toán phải đưa ra cảnh báo.

Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội hiện do ông Phan Tuy Hội - Chủ tịch Công ty là người đại diện pháp luật.

Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội là doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi từ Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đông Anh (địa chỉ tại Đường 23B, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội) theo Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 30/01/2008 của UBND thành phố Hà Nội. Công ty hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu số 0104003557 ngày 26/6/2008, đăng ký lần thứ 2 ngày 08/01/2020 do Sở KH&ĐT TP Hà Nội cấp.

Là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP Hà Nội, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội có vốn chủ sở hữu lên đến trên 600 tỷ đồng, tuy nhiên vốn điều lệ đăng ký của doanh nghiệp theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ là 251,3 tỷ đồng.

Theo Báo cáo kiểm toán độc lập số 17/BCKT/TC năm tài chính 2018 của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội lập ngày 18/3/2019 ghi nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ của đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kế toán, kiểm toán Việt Nam cho thấy, tại thời điểm 31/12/2018, Công ty đang theo dõi chi phí tiền điện, chi phí thuê đất, một số chi phí bị cắt giảm và chi phí đầu tư xây dựng cơ bản không được quyết toán  của các năm tài chính trước trên các chỉ tiêu “đầu tư xây dựng cơ bản dở dang”, chỉ tiêu “chi phí trả trước ngắn hạn” với giá trị lần lượt là 2,728 tỷ đồng và 2,826 tỷ đồng. Nếu phân bổ và hạch toán các khoản chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh trong năm thì lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm đi giá trị 5,555 tỷ đồng.

 

Trong Báo cáo tài chính năm 2017 và giữa niên độ 2018, phần tài sản thiếu chờ xử lý hoàn toàn không được Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội đả động đến.

Tài sản thiếu trong Báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2018, 2019 Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội có con số khủng lên đến 5,487 tỷ đồng.

Năm 2018, dù đã được cảnh báo nhưng Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội vẫn tiếp tục chưa trích khấu hao tài sản cố định với giá trị 6,8 tỷ đồng. Trước đó, năm 2016, 2017,  doanh nghiệp này còn trích khấu hao thiếu ước tính 15,433 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong báo cáo kiểm toán còn ghi nhận chỉ tiêu tài sản thiếu chờ xử lý tại doanh nghiệp một khoản lên đến 5,487 tỷ đồng. Đây là chỉ tiêu mà trong năm 2017, báo cáo tài chính do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội lập ra lại không hề ghi nhận.

 

Quyết định số số 2283/QĐ-UBND ngày 11/5/2018 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ban hành liên quan đến công tác cán bộ tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội.

Cũng trong năm 2018, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội diễn ra sự kiện ông Đỗ Văn Tuyến, sinh năm 1969 rời “ghế nóng” Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty theo nguyện vọng. Ông Đỗ Văn Tuyến được bổ nhiệm Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty từ ngày 01/9/2016.

Ông Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1961 - Phó Tổng Giám đốc được tạm giao điều hành Công ty cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch, Tổng Giám đốc theo Quyết định số 2283/QĐ-UBND ngày 11/5/2018 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ban hành.

Theo tìm hiểu, sau khi rời “ghế” lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội, ông Đỗ Văn Tuyến hiện đang giữ chức Phó Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật và Cơ điện của Công ty.

Sang đến năm tài chính 2019, những ý kiến kiểm toán ngoài trừ vẫn bị Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội “bỏ ngoài tai”. Tại thời điểm kết thúc năm tài chính 31/12/2019, chỉ tiêu “đầu tư xây dựng cơ bản dở dang”, chỉ tiêu “chi phí trả trước ngắn hạn” không được quyết toán có giá trị lần lượt là 2,728 tỷ đồng và 2,748 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tiếp tục chưa thực hiện trích khấu hao 4 năm liên tiếp 2016, 2017, 2018, 2019 với tổng giá trị lên đến 32,531 tỷ đồng.

Sau một năm, số tài sản thiếu tại doanh nghiệp vẫn không hề được xử lý và “giậm chân” tại con số 5,487 tỷ đồng.

Hai công trình xây dựng cơ bản do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội không được quyết toán.

Trong năm 2019, chức danh lãnh đạo chủ chốt của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội tiếp tục có biến động khi ông Phan Tuy Hội được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Công ty ngày 02/10/2019. Cùng thời gian này, ông Nguyễn Văn Hải được bổ nhiệm lại chức danh Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty.

Liên quan đến chỉ tiêu đầu tư xây dựng cơ bản dở dang không được quyết toán là Công trình Mốc Giới, giá trị 2,489 tỷ đồng và Công trình nạo vét kênh tiêu Sóc Sơn có giá tị 239,5 triệu đồng.

Ngoài ra, mặc dù nguồn lực đất đai của doanh nghiệp có dấu hiệu bị “xẻ thịt”, sử dụng sai mục đích làm công trình kiên cố, nhà xưởng tại Trạm bơm Dương Hà, huyện Gia Lâm như đã phản ánh, thế nhưng doanh nghiệp, thu nhập khác từ đất đai của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội lại không được thể hiện cụ thể trong báo cáo tài chính.

Qua Báo cáo tài chính được kiểm toán “đầy rẫy” sự bất thường của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội khiến dư luận đặt câu hỏi: Tài sản thiếu chờ xử lý tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội là tài sản gì mà lên đến 5,4 tỷ đồng? Tại sao trong Báo cáo tài chính năm 2017, Báo cáo giữa niên độ năm 2018 do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội công bố không xuất hiện chỉ tiêu này, phải đến khi có Báo cáo kiểm toán độc lập thì chỉ tiêu Tài sản thiếu chờ xử lý 5,4 tỷ đồng mới được lộ sáng? Tại sao qua các năm tài chính 2018, 2019, số tài sản thiếu này vẫn không được xử lý?

Bên cạnh đó, tại sao Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội lại không quyết toán chỉ tiêu “đầu tư xây dựng cơ bản dở dang”, chỉ tiêu “chi phí trả trước ngắn hạn” dẫn đến nhiều hệ lụy trong Báo cáo tài chính năm 2018, 2019? Những khoản đầu tư xây dưng cơ bản, chi phí trả trước này có được Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội phê duyệt, đầu tư theo đúng quy trình, quy định của pháp luật hay không? Có hay không việc thất thoát, lãng phí dẫn đến không thể quyết toán đối với các chỉ tiêu này?

Trạm bơm Dương Hà bị bủa vây bởi các nhà xưởng, công trình kiên cố.

Hiện trạng nhà xưởng xây dựng kiên cố và sử dụng kho chứa vật tư trong phần đất của trạm bơm đã tồn tại từ lâu, ảnh hưởng đến môi trường nhưng đến nay không bị xử lý.

Và như đã thông tin trước đó, hiện nay, tại Trạm bơm Dương Hà đang xuất hiện tình trạng nhiều công trình nhà xưởng được xây dựng kiên cố trong phần đất của trạm bơm hoạt động, xâm hại trực tiếp vào công trình thủy lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của công trình thủy lợi.

Vậy có hay không việc lạm dụng quỹ đất, tài sản công tại Trạm bơm Dương Hà nhằm kinh doanh, thu lời bất chính? Việc sử dụng quỹ đất trạm bơm làm nhà xưởng, công trình kiên có được sự đồng ý chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền? Nguồn lợi thu được từ đất đai, nhà xưởng được Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội hạch toán, thu chi như thế nào? Liệu có hay không “lợi ích nhóm” xung quanh vấn đề này?

Phải chăng đơn vị quản lý nơi đây đang “nhắm mắt làm ngơ” bao che cho sai phạm? Không rõ, khi xảy ra cháy nổ hay sự cố môi trường trên những nhà xưởng này, những người đứng đầu các địa phương, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?

Là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP Hà Nội, trước các dấu hiệu bất thường trong hoạt động, hạch toán, thu chi tài chính, quản lý, khai thách, sử dụng đất đai, tài sản công… của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội, đề nghị Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở NN&PTNN, UBND huyện Gia Lâm… cần có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, làm rõ việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Hai là, đề nghị Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03-Bộ Công an); Công an Thành phố Hà Nội quan tâm, vào cuộc làm rõ các chỉ tiêu, khoản mục liên quan đến việc thiếu hụt tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản dở dang không thể quyết toán, chi phí trả trước, việc hưởng lợi từ nguồn lực đất đai sử dụng sai mục đích như đã nêu ở trên xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về quản lý tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai để làm gương, răn đe các vi phạm.

Ba là, các khu đất khi được giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án mang lại lợi ích cho xã hội nhưng lại bị lợi dụng để sử dụng sai mục đích, trục lợi cá nhân đang khiến dư luận bức xúc, đặt dấu hỏi có lợi ích nhóm trong vấn đề này. Nhất là việc giao, chuyển nhượng đất nhưng không thể hiện được giá trị của đất gây thất thoát, lãng phí để lại hậu quả nặng nề mà nhà nước, người dân phải gánh chịu. Vì vậy, đất đai cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, sớm có phương án xử lý trách nhiệm của những khu đất sử dụng sai mục đích.

Bốn là, Hội đồng nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần lập kế hoạch cụ thể cho các cuộc giám sát hàng năm và triển khai kịp thời các chương trình giám sát đột xuất tại địa phương để từ đó phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thoát, lãng phí, phát huy vai trò đại diện quyền và lợi ích của nhân dân, thể hiện được ý chí của người dân thông qua các chương trình giám sát.

Tạp chí Điện tử Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trong những bài viết tiếp theo.

(*) Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều