Sóc Trăng: Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của cộng đồng dân tộc người Khmer

(Mặt trận) - Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long; toàn tỉnh có 423.830 người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer chiếm hơn 30%. Văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer rất phong phú với sinh hoạt các lễ, hội… trong đó ngôn ngữ và chữ viết có vai trò quan trọng trong các hoạt động tín ngưỡng cũng như trong việc giáo dục tri thức, kiến thức văn hóa cho đồng bào Khmer.

Nhận thức rõ về vai trò tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của người Khmer, tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm và ưu tiên đối với công tác giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer; đặc biệt là việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc được duy trì và thực hiện theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Để triển khai tốt việc bảo tồn, gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng chương trình, quy chế nội dung giảng dạy, tuyển sinh đối với Trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ và chữ Khmer ở các cấp học. Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 21/01/2015 và Quyết định số 399/QĐ-UBND ngày 03/01/2017 thành lập Ban biên soạn, Ban thẩm định và chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Pali và Chương trình học sơ cấp Pali.

Cùng với đó, thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; trong đó có Tiểu dự án 1 – Dự án 5: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cũng đã góp phần giữ gìn và bảo tồn tiếng nói, chữ viết của cộng đồng dân tộc người Khmer thông qua việc triển khai thực hiện tại địa phương.

 Mặc dù việc dạy và học cho con em đồng bào dân tộc ở địa phương còn một số khó khăn  nhưng về cơ bản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể: năm học 2022 – 2023 tại Sóc Trăng, số học sinh dân tộc thiểu số đang theo học là 98.963/267.664 em, chiếm gần 37% tổng số học sinh toàn tỉnh; trong đó có 84.974 học sinh dân tộc Khmer (chiếm 31,75%), 13.787 học sinh dân tộc Hoa (chiếm 13,93%), học sinh dân tộc khác là 202 em (chiếm 0,24%). Đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục tiếp tục được tăng cường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học tại hệ thống các Trường phổ thông dân tộc nội trú. Song song với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí mua sách giáo khoa tiếng Khmer và đồ dùng học tập, với tổng kinh phí khoảng trên 2 tỷ đồng mỗi năm nhằm động viên, khuyến khích học sinh học tiếng DTTS theo quy định. Tỉnh hiện có 10 Trường phổ thông dân tộc nội trú với 102 lớp, cho 3.409 học sinh; 134 trường phổ thông tổ chức dạy chữ Khmer, với 1.625 lớp, cho 44.509 học sinh;…

Tổ chức lớp học hè dạy tiếng Khmer cho trẻ em tại các chùa. Ảnh: baosoctrang.org.vn

Các chính sách ưu đãi đối với giáo viên tiếng Khmer được triển khai hiệu quả, cụ thể: Sóc Trăng hiện có 354 giáo viên dạy tiếng Khmer, trên 80% trong đó đạt chuẩn theo quy định. Đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào Khmer, nhưng lại không biết tiếng Khmer làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở vùng đồng bào Khmer. Vì vậy, tỉnh đã ban hành Đề án Đào tạo tiếng Khmer (ngày 11/7/2019) tập trung đào tạo 3 lớp tiếng Khmer căn bản, nâng cao và biên dịch, phiên dịch cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn, trong 2 giai đoạn (2019 - 2020 và 2021 - 2025).

Trong giai đoạn 2019 - 2020, Đề án đã đào tạo cho hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Nhiều học viên đã có thể giao tiếp, viết và đọc tiếng Khmer, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người Khmer thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phân công giáo viên cốt cán hướng dẫn và triển khai các chuyên đề trong công tác giảng dạy tiếng Khmer được đề xuất từ các địa phương để giáo viên dạy tiếng Khmer có cơ hội được học hỏi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy cho học sinh một cách hiệu quả. Kỳ thi giáo viên dạy giỏi tiếng Khmer ở các cấp học được tổ chức thường xuyên nhằm lựa chọn giáo viên vững về chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán tiếng Khmer của tỉnh.

Ngoài ra, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 6/12/2019 của HĐND tỉnh quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè là 40.000 đồng/tiết, số tiết hỗ trợ không quá 4 tiết/ngày/lớp và được áp dụng trong 5 năm (2020 - 2024). Mặt khác, công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên giảng dạy tiếng Khmer cũng được triển khai đồng nhằm nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tại tỉnh.

Tỉnh cũng tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình “Cùng học tiếng Khmer” trên Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng ở trình độ căn bản 87 bài và trình độ nâng cao nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh và nhu cầu chung của xã hội.

Để thực hiện công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer trên địa bàn, tỉnh Sóc Trăng đã ưu tiên triển khai nhiều giải pháp. Bên cạnh việc dạy song ngữ tại các trường công lập trên địa bàn, tỉnh phối hợp với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh vận động 92 chùa Phật giáo Nam tông Khmer tiếp tục duy trì truyền thống mở các lớp dạy chữ Khmer, Pali-Vini miễn phí cho sư sãi và đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức lớp học hè dạy tiếng Khmer cho trẻ em tại các chùa cũng được khuyến khích. Trong gần 3 tháng hè, các em được học hoàn toàn miễn phí, bảo đảm đúng theo giáo trình của ngành giáo dục. Tại chùa, các em học sinh được học tiếng, chữ viết và được chia sẻ về phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc Khmer; đồng thời chùa cũng giáo dục cho các em về đạo đức, nhân cách sống, lòng hiếu thảo và nghi thức giao tiếp, ứng xử. Hoạt động này không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, văn hóa Khmer mà còn giúp các học sinh có kỳ nghỉ hè thật sự ý nghĩa và bổ ích.

Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục kiện toàn cơ sở vật chất trường lớp tại 131 trường (vừa dạy chương trình phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa dạy chữ, tiếng Khmer) và 10 trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn. Song song đó, khuyến khích các chùa Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh tiếp tục dạy chữ viết, tiếng nói đồng bào Khmer trong các dịp hè của những năm tiếp theo.

Khuyến khích học sinh học tiếng dân tộc thiểu số. (Ảnh minh hoạ)

Trên cơ sở thực hiện Đề án Đào tạo tiếng Khmer kết hợp với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như các chính sách liên quan; UBND tỉnh giao cho các đơn vị như Ban Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo, Mặt trận Tổ quốc tỉnh,… xây dựng kế hoạch chi tiết; tổ chức thực hiện, tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai, làm tốt công tác tuyên truyền để đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả trong thời gian tới. Với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh cũng như sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, Mặt trận Tổ quốc tỉnh,… sẽ phát huy hiệu quả việc giữ gìn, bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng, góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn truyền thống.                                                                                               

Nguyễn Quỳnh Trâm

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều