Nét đẹp văn hóa trong tục cưới hỏi của người Ba Na

Phong tục cưới hỏi là một trong những nghi lễ dân gian độc đáo, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng, phong tục, tập quán lâu đời của người Ba Na. Đồng thời, góp những sắc mầu lung linh, rực rỡ vào bức tranh văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Trong tục lệ hôn nhân dân tộc Ba Na ở tỉnh Gia Lai, đôi trai gái người Ba Na được tự do tìm hiểu, lựa chọn người mình yêu thương, khi họ đã thật sự thương yêu nhau, quyết định tiến tới hôn nhân, đôi bạn trẻ sẽ về thưa chuyện với gia đình hai bên. Khi được hai gia đình chấp thuận hôn lễ, nhà trai sẽ tìm người mai mối. Ông mối là một người đàn ông am hiểu luật tục, có uy tín với cộng đồng, giỏi ăn nói, có vai trò dẫn dắt điều hành buổi lễ.

Theo phong tục, tập quán của người Ba Na, đồng bào tuân thủ chế độ một vợ một chồng, đề cao sự thuỷ chung trong hôn nhân và gia đình, khi đã thành vợ thành chồng nếu chàng trai bỏ cô gái sẽ phải đền gia đình cô gái một con trâu, một tạ heo và 50 vò rượu cần, ngược lại bên nhà cô gái cũng thế.

Trong hôn nhân họ phải nghe lời gia đình, nghe ông mai mối đưa lời thề, khi đã lấy nhau phải yêu thương nhau đến trọn đời. Lấy chồng, các cô gái Ba Na phải chuẩn bị 100 bó củi, gọi là “củi hứa hôn”. Bởi vậy người con gái Ba Na ngay từ khi 14 - 15 tuổi đã tranh thủ lấy củi trước khi về nhà chồng.

Trong sự phát triển của đời sống xã hội hiện nay, các phong tục, nghi lễ về cưới hỏi truyền thống vẫn được đồng bào Ba Na gìn giữ, qua đó lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp trong bức tranh văn hóa Ba Na tới các dân tộc anh em trên các vùng miền đất nước.

Lễ cưới của người Ba Na còn gọi là “pơ koong”, tổ chức vào dịp cuối năm, sau mùa thu hoạch, khi lúa đã về đầy kho, thóc về đầy bồ.
Đồng bào Ba Na thường chọn làm lễ cưới vào buổi chiều. Sau khi được ông mối mời,hai bên gia đình tề tựu bên nhà rông.
Dự lễ cưới có họ hàng hai họ và người dân buôn làng cùng tham dự.
Đồng bào chuẩn bị vật phẩm cho buổi lễ quan trọngcủa gia đình chủ nhà và của cộng đồng.
Chủ lễ đọc lời khấnmời gọi Yàng và tổ tiên về dự, chứng kiến buổi lễ.
Lễ cưới của người Ba Na có các nghi thức như “cật riêng”, “trùm chiếu cói, té nước”, “đập bầu nước”… với ý nghĩa sau khi đôi bạn trẻ lấy nhau, gia đình sẽ luôn hạnh phúc vui vẻ, mát mẻ như nước rừng.
Nghi thức “cật riêng” có ý nghĩa như lễ đính hôn của người Kinh. Trước sự chứng kiếncủa ông mối và gia đình 2 họ, đôi trai gái lần lượt trao vòng cho nhau. Khi đôi trai gái đã làm lễ trao vòng, họ tuyệt đối không được có quan hệ yêu đương với người khác.
Sau các nghi thức, già làng, ông mối sẽ chúc phúc cho đôi bạn trẻ, khép lại phần Lễ. Già làng mời mọi người cùng uống rượu cần chung vui với gia đình, theo trình tự bắt đầu từ gia chủ, phụ nữ được ưu tiên trước rồi đến các thành viên trong gia đình, khách mời và người dân bạn làng tham dự lễ cưới.
Sau phần Lễ là phần Hội, bên ché rượu cần, người dân buôn làng quây quần bên nhau, múa hát vang những bài ca truyền thống của dân tộc mình.
Các cô gái Ba Na tiếp nối và lan tỏa truyền thống của dân tộc mình qua từng điệu múa, nhịp chiêng.
Ẩm thực trong đám cưới truyền thống của người Ba Na mang đậm đặc trưng của núi rừng. Khi rượu uống đã say, câu chuyện đã đủ dài, dân làng chúc phúc đôi trai gái trước khi ra về.
Những luật tục, nghi lễ truyền thống tồn tại lâu đời trong phong tục cưới hỏicủa người Ba Na đến nay vẫn được đồng bào rất coi trọng.

 
Theo Dương Nguyễn/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều