Dự án Khu đô thị An Dương 28 năm ngưng trệ và những bế tắc chưa lối thoát

(Mặt trận) - Đã 28 năm trôi qua, dự án khu đô thị An Dương rơi vào thảm cảnh hoang tàn, dang dở, phải lùi tiến độ vô thời hạn. Trong vài năm trở lại đây, dự án mới bắt đầu nhúc nhích chuyển động trở lại, tuy nhiên nhiều vướng mắc, tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm vẫn khiến doanh nghiệp điêu đứng, dự án trong cảnh “chết lâm sàng”.

Công ty TNHH Xây dựng IDC (Công ty IDC) là chủ đầu tư được UBND quận Ba Đình và UBND thành phố Hà Nội giao dự án khu nhà ở, văn phòng làm việc tại Hồ An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội (Dự án Hồ An Dương) từ năm 1992 trên cơ sở Giấy phép sử dụng đất số 2705 UB-XDCB ngày 04/6/1990 do UBND Thành phố cấp.

 

 

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty IDC sử dụng đất để xây dựng xây dựng khu nhà ở và văn phòng làm việc tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Ngày 28/9/1999, theo kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 914/QĐ-TTg thu hồi diện tích đất Hồ An Dương và một phần đất của phường và dân phường Yên Phụ giao cho Công ty IDC để thực hiện dự án Hồ An Dương do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao dự án trên, Công ty IDC đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước đối với chủ đầu tư theo luật hiện hành lúc bấy giờ, nhất là nghĩa vụ thuế về quyền sử dụng và thuê đất để thực hiện dự án.

Trong quá trình đang thi công, đến năm 2002, dự án bị tạm dừng triển khai chờ điều chỉnh Luật Đê điều. Năm 2007, vấn đề đê điều được giải tỏa, dự án được tái khởi động. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, chủ đầu tư buộc phải dừng thi công từ năm 2007 đến nay.

 

 Ý tưởng “có cánh” về một đô thị, văn minh hiện đại dần lụi tàn theo thời gian.

Trước đơn kêu cứu khẩn cấp, liên tục và kéo dài của chủ đầu tư từ năm 2007 đến 2015, cũng như các ý kiến phản ánh từ báo chí và dư luận, UBND Thành phố Hà Nội đã chủ trì cuộc họp ngày 31/12/2015 giữa các sở, ngành chức năng, UBND quận Tây Hồ, UBND phường Yên Phụ và chủ đầu tư để giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan dẫn đến bế tắc kéo dài của dự án này.

Dựa trên ý kiến của các sở, ngành và chính quyền địa phương sở tại, của chủ đầu tư và trên cơ sở thực tế thi công dự án, UBND Thành phố Hà Nội đã thông qua Thông báo số 04/TB-VP ngày 06/01/2016 về việc giải quyết dứt điểm tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai, dự án đầu tư sử dụng đất Hồ An Dương trên địa bàn quận Tây Hồ.

Nội dung chính giải quyết vướng mắc, tồn đọng dự án Hồ An Dương:

Một là, tại Mục 2, Điểm a:

Trên cơ sở quy hoạch, dự án Hồ An Dương đã được phê duyệt và hiện trạng quản lý, sử dụng đất, UBND Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép: “Đối với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng: giao Công ty TNHH Xây dựng IDC tiếp tục sử dụng để thực hiện dự án đầu tư theo quy định”.

Hai là, tại Mục 2, Điểm b:

“Đối với diện tích chưa giải phóng mặt bằng giao UBND quận Tây Hồ quản lý, thực hiện chỉnh trang khu vực dân cư theo quy hoạch…”.

Ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng IDC đề nghị UBND Thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm tồn đọng. Ảnh Vietnamnet

Theo ông Lê Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng IDC cho biết, đã hơn 4 năm kể từ khi có Thông báo số 04/TB-VP ngày 06/01/2016, đến nay, UBND Thành phố vẫn chưa có báo cáo, kiên nghị Thủ tướng Chính phủ để giao lại cho Công ty IDC diện tích doanh nghiệp đã giải phóng mặt bằng và đã được Nhà nước giao từ năm 1999 trong quá trình thi công thực hiện dự án thì bị tạm dừng. Đồng thời, việc chỉnh trang khu dân cư theo quy hoạch của UBND quận Tây Hồ cũng chưa được triển khai theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Trước sự kêu cứu của chủ đầu tư, dư luận xã hội và báo chí, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thành lập Đoàn giám sát và thực thi quyền giám sát quá trình giải quyết những tồn đọng trong việc thực hiện dự án Hồ An Dương.

Ngày 03/9/2019, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có văn bản Kiến nghị số 6892/MTTW-BTT sau giám sát, gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND Thành phố Hà Nội thể hiện quan điểm tán thành và ủng hộ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại nội dung Thông báo số 04/TB-VP ngày 06/01/2016 của UBND Thành phố Hà Nội.

Cụ thể, “đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành có liên quan xem xét cùng Công ty TNHH Xây dựng IDC giải quyết dứt điểm vụ việc này và có thông báo kết quả gửi về Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam trước ngày 20/4/2020 để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp kết quả giám sát và báo cao tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV”.

Căn cứ kiến nghị của UBTƯ MTTQ Việt Nam và Quyết định phê duyệt dự án, giao đất cho Công ty IDC tại Quyết định số 914/QĐ-TTg ngày 28/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 575/VPCP ngày 21/01/2020, trong đó có nội dung liên quan đến dự án Hồ An Dương, yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội: “báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền”.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng IDC cho hay, đã 6 tháng đã trôi qua, không rõ UBND Thành phố Hà Nội đã có động thái đáp ứng chỉ đạo từ Văn phòng Chính phủ và kiến nghị của UBTƯ MTTQ Việt Nam hay chưa. Tuy nhiên, dự án Hồ An Dương vẫn đang bị ngưng trệ, kéo theo biết bao hệ lụy tai hại cho chủ đầu tư và người dân sinh sống tại khu vực của dự án.

“Chúng tôi phải gánh chịu những thiệt hại cả về vật chất, lẫn tinh thần đằng đẵng gần 30 năm. Chỉ 3 tháng xảy ra dịch Covid-19, những thiệt hại do dịch bệnh gây ra tác động đến nền kinh tế quốc gia và từng doanh nghiệp là không nhỏ. Từ đó suy ra Công ty IDC - nạn nhân của sự ngưng trệ sản xuất, kinh doanh kéo dài 28 năm, hậu quả của nó lớn tới mức nào” - ông Lê Quốc Khánh nói.

Sau 28 năm, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đến từ phía chính quyền địa phương, dự án khu đô thị An Dương biến thành đống hoang tàn, đổ nát, đẩy doanh nghiệp vào “thảm cảnh” đầu tư.

Cần nói thêm rằng, đây không phải là số tiền doanh nghiệp đi xin thành phố, mà là trách nhiệm của chính quyền địa phương phải thanh toán cho Công ty IDC để đơn vị này có tiền trang trải các chi phí đã bỏ ra.

Mấy chục năm qua, hàng trăm văn bản, kiến nghị, đề xuất… của Công ty IDC đã được gửi đến các cơ quan chuyên môn, các cấp có thẩm quyền, nhưng nhận lại cũng là hàng trăm văn bản có nội dung chung chung, ban hành rồi để đấy, còn doanh nghiệp đang chết dần, chết mòn từng ngày, từng giờ.

Trước thảm cảnh đau lòng tại dự án, để vụ việc tránh đi vào lối cũ, đề nghị Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội, cùng các Sở, ngành liên quan sớm ban hành văn bản cần thiết nhằm khắc phục hậu quả làm tổn thất doanh nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án khu đô thị mới An Dương được triển khai nhanh chóng và hoàn thành theo tiến độ mới đã được chủ đầu tư đặt ra.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều