Nhiều bất thường tại Dự án KDC mới phố Hưng Đạo, Chí Linh, Hải Dương: C03 Bộ Công an chuyển PC03 Công an Hải Dương xem xét, giải quyết

(Mặt trận) - Liên quan đến các phản ánh của Tạp chí Mặt trận đối với các bất thường trong công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư mới Khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã chuyển đơn đến PC03 Công an tỉnh Hải Dương để xem xét, giải quyết.
Khu đất vừa đấu thầu triển khai Dự án xây dựng khu dân cư mới khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh. Ảnh: TL

Theo đó, đối với vụ việc bất thường, dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư mới Khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương được báo chí phản ánh, Thượng tá Trần Văn Phúc - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã ký ban hành Phiếu chuyển đơn số 408/PC-C03-P1 ngày 02/6/2020 gửi PC03 Công an tỉnh Hải Dương để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; thông báo kết quả cho Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Tạp chí Mặt trận biết.

Tại dự án nêu trên, UBND Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đang thể hiện sự bất nhất đến khó hiểu tại Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư mới tại Khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương khi ban nhiều văn bản có nội dung rất mâu thuẫn liên quan đến việc xác định phần diện tích đất ở của dự án.





Văn bản ông Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chí Linh gửi Cục Quản lý đấu thầu.

Ngày 08/1/2020, ông Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chí Linh ký ban hành văn bản số 12/UBND-BQLDA về việc xử lý tình huống trong lựa chọn nhà đầu tư gửi Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Trong văn bản có đoạn:

“… Tuy nhiên trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (Túi đề xuất tài chính) đã phát hiện trong công tác lập phương án giải phóng mặt bằng sơ bộ để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sai sót về số liệu diện tích đất ở (ODT) phải đền bù dẫn đến sai giá trị đền bù đất ở (ODT) cụ thể: Diện tích đất ở phải bồi thường theo mảng trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính số 12-2018 ngày 08/10/2018 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận là 2.398,3 m2 nhưng trong phương án sơ bộ phê duyệt là 200 m2. Cụ thể như sau:

1. Tổng phương án GPMB sơ bộ phê duyệt là 18.329.425.000 đồng,

Trong đó: Chi tiêu bồi thường đất ở (ODT): 200 x 10.000.000 = 2.000.000.000 đồng.

2. Tổng giá trị phương án GPMB sơ bộ sau khi kiểm tra phát hiện sai và tính lại theo mảnh trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính số 12-2018 ngày 08/10/2018 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận là: 40.312.425.000 đồng

Trong đó: Chi tiêu bồi thường đất ở (ODT): 2.398,30 x 10.000.000 = 23.983.000.000 đồng

Như vậy giá trị đền bù sau kiểm tra tính lại còn thiếu: 23.983.000.000 - 2.000.000.000 = 21.983.000.000 đồng

Nếu tiếp tục thực hiện tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có thể nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án (Không đáp ứng về năng lực kinh nghiệm và năng lực tài chính theo quy định của pháp luật về đấu thầu), vậy chúng tôi xin hỏi: Trường hợp của dự án nêu trên có hủy thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Đấu thầu số 43/2013 được không?”

Văn bản UBND Thành phố Chí Linh gửi Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là vậy. Thế nhưng, chỉ 5 tháng sau, trong văn bản gửi nhà đầu tư, cũng chính do ông Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chí Linh lại có cú “bẻ kèo” ngoạn mục, phản bác lại phần diện tích đất ở mà ông này thừa nhận trước đó.

 

Văn bản số 305/UBND-BQLDA ngày 12/5/2020 do ông Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chí Linh ký ban hành gửi Liên danh Công ty Cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang.

Theo đó, tại văn bản số 305/UBND-BQLDA ngày 12/5/2020 gửi Liên danh Công ty Cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang, ông Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chí Linh cho rằng:

“Trong mảnh trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính số 12-2018 ngày 08/10/2018 có ghi hiện trạng đất ODT: 2.398,3m2. Theo kết quả kiểm tra rà soát của UBND các phường và các cơ quan chức năng và kiểm tra tại thực địa, diện tích 200m2 đất ở là diện tích đã phê duyệt sơ bộ phương án GPMB trong hồ sơ mời thầu, còn lại đất vườn thuộc nhóm đất nông nghiệp nằm trong cùng thửa đất có nhà ở, như vậy không có sai lệch về diện tích đất ở, cụ thể như sau:

- Phần diện tích đất thực hiện dự án trên địa bàn phường Sao Đỏ có 200m2 là đất ở và 1.834,7m2 là đất vườn nằm trong cùng thửa đất có nhà ở (thuộc nhóm đất nông nghiệp).

- Phường Chí Minh không có đất ở nằm trong phạm vi dự án và 70,1m2 là đất vườn nằm trong cùng thửa đất có nhà ở (thuộc nhóm đất nông nghiệp).

- Phường Thái Học không có đất ở nằm trong phạm vi dự án và 734,5m2 là đất vườn nằm trong cùng thửa đất có nhà ở (thuộc nhóm đất nông nghiệp)”.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Cương còn đổ lỗi cho nhà đầu tư trong thời gian mua hồ sơ mời thầu đến ngày mở thầu không có kiến nghị gì về hồ sơ mời thầu, mãi đến khi mở túi đề xuất hồ sơ đề xuất tài chính ngày 15/11/2019, đến ngày 04/12/2019, UBND Thành phố Chí Linh mới nhận được đơn kiến nghị của Liên danh Công ty Cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Sao Đỏ (người đứng) phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm làm việc trực tiếp trả lời các kiến nghị của nhà đầu tư Liên danh Công ty Cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang do UBND thành phố Chí Linh tổ chức diễn ra vào ngày 29/5/2020, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Sao Đỏ cho rằng, qua nghiên cứu rà soát phường Sao Đỏ, về công tác GPMB, nay mai đền bù phải tính đến các mốc. Một là mốc ngày 18/12/1980 trở về, nhà nước không thể xác định chính xác được vì người dân họ đã sinh sống từ hàng nghìn năm nay rồi, trong diện tích này có thể là đất ở, có thể là đất vườn, nhưng khi đền bù nhà nước sẽ tính đất ở 100%. Mốc thứ hai là trước ngày 15/10/1993, khi nhà nước thu hồi diện tích đất vườn nằm trong cùng thửa đất sẽ được tính giá đền bù bằng 50% đất ở. Mốc thứ ba nữa là 01/7/2003, nếu là đất vườn sẽ có chế độ chính sách đền bù riêng.

“Tại sao thành phố chỉ đạo rồi mà phường phải rà soát diện tích tăng so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tăng so với bản đồ và giữa hiện trạng. Chúng tôi không còn lưu giữ bản đồ 209 mà chỉ còn lưu giữ được 1992, 1993. Thời điểm đó đo bằng tay, đến năm 2000, tổng kiểm tra rà soát, lúc đó chưa thể đo bằng đường truyền ánh sáng, cho nên không thể tính hết từng mm, diện tích thu hồi 0,1m2. Các hộ gia đình đều có tường rào, không giáp đất công, không giáp hồ, không giáp ao thì không thể lấn chiếm được. Phần diện tích đất tăng là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên đo vẽ bằng phương pháp thủ công và đõ vẽ bằng phương pháp kỹ thuật số. Phường mới chỉ tổng hợp báo cáo là đất vườn thôi, còn sau này chi tiết tính giá đền bù cho các hộ dân, người dân có thể đề nghị đền bù bằng đất ở, có trường hợp đất vườn nhưng tính bằng đất ở, đất vườn bằng 50% đất ở” - ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Sao Đỏ phân trần.

Theo ông Nguyễn Đức Hiệp - đại diện Liên danh nhà đầu tư Liên danh Việt Hân – Nam Quang cho biết, phần diện tích ở ODT 2.398,3m2 trong phạm vi GPMB dự án nêu trong đơn kiến nghị của Liên danh là căn cứ Trích lục Bản đồ địa chính số 12-2018 ngày 08/10/2018 được Văn phòng Đăng ký Đất đai Thành phố Chí Linh, UBND các phường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương xác nhận. Như vậy, phần diện tích đất ODT được nêu trong đơn của nhà thầu là có căn cứ pháp lý. Việc tính thiếu 2.198,3m2 diện tích đất ở trong hồ sơ mời thầu thì sẽ làm cho chi phí GPMB - giá trị M2 trong HSMT giảm 21,9 tỷ đồng dẫn đến giá sàn mời thầu sẽ thấp hơn nhiều so với quy mô và phạm vi dự án. Hệ lụy của việc này, theo Nghị định 30 của Chính phủ về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư sẽ làm các yêu cầu về năng lực, về tài chính, kinh nghiệm nêu tron HSMT không còn phù hợp. Do đó, việc đánh giá hiệu quả của dự án, lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư sẽ không được chính xác. Ngoài ra, nguồn thu ngân sách nhà nước từ giá trị M2 bị giảm đi rất nhiều. Vấn đề nữa, nếu giá sàn HSMT được phản ánh đúng thì các nhà đầu tư tham dự đều không đáp ứng yêu cầu về tài chính thương mại.

“Giả sử kể cả trường hợp UBND thành phố Chí Linh xác nhận 2.198,3m2 là đất vườn nằm trong cụm thửa đất ở đi chăng nữa, theo quy định Khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014 của Chính phủ thì việc tính giá đền bù bằng 50% chênh lệch đền bù giữa giá đất và đất nông nghiệp. Thì chi phí đền bù cũng lên tới gần 11 tỷ đồng thì giá trị M2 theo HSMT vẫn chưa chính xác và sẽ ảnh hưởng đến kết quả đấu thầu. Vì vậy, Liên danh nhà đầu tư kiến nghị UBND thành phố Chí Linh và các cơ quan có liên quan xem xét lại HSMT, cũng như thực hiện các biện pháp cần thiết để việc lựa chọn nhà đầu tư của dự án được chính xác, trước hết đảm bảo được lợi ích của nhà nước, của nhà nước và các lợi ích kinh tế - xã hội” - ông Hiệp phân tích.

Theo ông Phạm Văn Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thu Hà cho biết, việc UBND Thành phố Chí Linh ban hành văn bản gửi Cục Quản lý đầu thầu và trả lời doanh nghiệp như trên thể hiện sự bất nhất, tùy tiện, như trò đùa. Đầu bài là do Thị xã Chí Linh trước đây, nay là Thành phố Chí Linh ra, giờ chúng tôi phát hiện ra bất thường làm đơn kiến nghị thì lại có phần trách nhiệm của chúng tôi? Tại sao một dự án có tổng mức đầu tư khái toán trên 82 tỷ đồng, có quy mô sử dụng đất lớn, trình lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt, nhiều cấp ngành tham mưu mà Phó Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh lại trả lời theo kiểu “sáng đúng, chiều sai đến mai lại đúng” như vậy được? Tôi đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh, của Trung ương cần làm rõ vấn đề này.

Vậy Dự án Khu dân cư mới tại Khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương thực sự có diện tích đất ở cần phải bồi thường là bao nhiêu? Nếu UBND Thành phố Chí Linh cho rằng chỉ có là 200m2 đất ở thì tại sao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương lại xác nhận phần diện tích đất ở của mảng trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính số 12-2018 ngày 08/10/2018 lên tới 2.398,3 m2 để làm gì?

Ở chiều ngược lại, nếu mảng trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính số 12-2018 ngày 08/10/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương là đúng, vậy tại sao UBND thành phố Chí Linh vẫn “cố đấm ăn xôi” cho rằng dự án chỉ có 200m2 đất ở cần phải thu hồi? Công tác lưu trữ các bản vẽ, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các sở ngành, địa phương của tỉnh Hải Dương diễn ra như thế nào mà để ra sự việc có sự vênh nhau về số liệu hàng nghìn m2 đất đai như vậy? Động cơ, mục đích của UBND thành phố Chí Linh khi ban hành văn bản bất nhất khi ban hành văn bản bất nhất xin ý kiến cơ quan Trung ương một đằng, trả lời nhà đầu tư một nẻo như vậy?

 

Văn bản trả lời doanh nghiệp của ông Nguyễn Hữu Lộc - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương đối với phần diện tích đất ODT nằm trong dự án.

 

Mảng trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính số 12-2018 ngày 08/10/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Dư luận đang chờ đợi câu trả lời thỏa đáng, quyết liệt từ Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo, kiểm tra, xác minh, làm rõ vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo của các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư… và UBND Thành phố Chí Linh trước những bất thường, dấu hiệu sai phạm rất rõ ràng, cụ thể tại Khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương và các tổ chức thành viên cần tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, phát huy vai trò của báo chí và nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ba là, đề nghị Ủy ban kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Tỉnh ủy Hải Dương, Ban Cán sự Đảng tỉnh Hải Dương cần vào cuộc, tập trung kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, UBND Thành phố Chí Linh trong quản lý đất đai, quá trình lựa chọn nhà đầu tư tại Dự án nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Bốn là, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường… vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xem xét, làm rõ việc xác định diện tích đất, các loại đất, giá đất.. tại dự án đã được báo chí và dư luận nêu ra có dấu hiệu tiêu cực, thông thầu, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí. Nếu phát hiện sai phạm, đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan Điều tra Bộ Công an làm cơ sở để tiếp tục đấu tranh, khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ các vi phạm.

Năm là, đề nghị Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), UBND tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh Hải Dương khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời làm rõ có hay không hành vi xác nhận khống diện tích đất ở hoặc thông thầu, “ưu ái” nhà thầu quen tại dự án; công khai, minh bạch hình thức xử lý để đảm tính răn đe, phòng ngừa chung.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tiếp tục thông tin vụ việc nêu trên.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều