Sự “vô cảm” của cán bộ công quyền từ vụ Thanh tra Hà Nội mời người chết lên làm việc

(Mặt trận) - “Cán bộ gây khó dễ cho người dân khi đến làm giấy khai tử” và “Thanh tra thành phố Hà Nội mời người chết lên làm việc” tuy là hai vụ việc riêng biệt, nhưng có điểm chung là đều xuất phát từ cách hành xử quan liêu, thói vô cảm được hình thành trong lề lối làm việc của không ít cán bộ cơ quan công quyền.

Gia đình bà Vũ Thị Hoa (trú tại phường Văn Miếu) có bố đẻ mất và cử bà Hoa ra UBND phường để làm giấy chứng tử. Theo quy định, chỉ khi được UBND cấp phường/xã cấp giấy chứng tử thì gia đình có người chết mới được đưa đi an táng.

Tuy đi làm giấy khai tử cho cha từ 9 giờ sáng đến cuối giờ chiều, trong lúc đang tang gia bối rối, người nhà chạy ngược chạy xuôi để lo hậu sự thì cán bộ tiếp dân chẳng mảy may động lòng hỗ trợ, giúp đỡ lại “dán mắt vào máy tính đọc báo”, “không buồn trả lời rồi vẩy tay chỉ sang bàn bên cạnh”.

Sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, vụ việc đã gây chấn động dư luận, khiến cộng đồng mạng căm phẫn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải ra tay chỉ đạo xem xét, xử lý.

Thừa lệnh Chánh Thanh tra Hà Nội, ông Phạm Vũ Tiến - Trưởng phòng Thanh tra 1 ký giấy mời ông Kiều Quang Thăng (một người đã chết) đến để làm việc.

Câu chuyện của bà Hoa cũng tương tự như gia đình bà Nguyễn Thị Hải Thơm (Hà Đông, Hà Nội). Vụ việc tranh chấp căn phòng rộng vỏn vẹn 7,4m2 nhưng các cấp chính quyền Hà Nội huy động cả bộ máy, loay hoay rất nhiều năm vẫn không có cách nào giải quyết dứt điểm. Đắng cay hơn, trong quá trình xử lý, cán bộ của Thanh tra Hà Nội còn thể hiện sự tắc trách, trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, “máu lạnh” đến độ, mời ông Kiều Quang Thăng (chồng chị Thơm) - một người đã chết từ lâu đến để làm việc và rồi cũng chính cơ quan này tìm mọi cách để hợp thức hóa hành vi của cá nhân “nhảy dù” vào chỗ ở của công dân.

Năm 2016, ông Phạm Vũ Tiến, Trưởng phòng Thanh tra 1 (Thanh tra Thành phố Hà Nội) ký giấy mời ông Kiều Quang Thăng, số nhà 7 phố Lê Hồng Phong, quận Hà Đông đến để làm việc. Thế nhưng, ông Kiều Quang Thăng đã mất trước đó hơn 1 năm, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật để chờ đợi sự giải quyết công tâm của UBND thành phố Hà Nội. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, trong cơn tuyệt vọng, ông Thăng vẫn đau đáu nỗi niềm cho vợ và đàn con thơ có một chỗ ở ổn định, vẹn toàn nhưng cũng không thực hiện được.

  Thanh tra viên Phạm Minh Đức trong buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Hải Thơm ngày 07/9/2016.

Khác với các loài muông thú, thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của đồng loại là phản ứng tự nhiên của loài người và thường mang tính nhân văn sâu sắc, nghĩa tử nghĩa tận. Ấy vậy mà hai câu chuyện xảy ra ở giữa Thủ đô, nơi mà dân trí được xem là cao, quan trí cũng đứng đầu cả nước, nhưng cùng chung một mẫu số là trước nỗi đau, tai họa và bất công mà người khác đang phải gánh chịu thì những cán bộ được giao thụ lý để giải quyết vụ việc lại thể hiện sự thờ ơ, vô cảm đến tàn ác.

Kết thúc thời gian hơn 3 tháng xác minh, thứ mà Thanh tra Thành phố Hà Nội đem trình lên cấp trên là bản Báo cáo số 3947/BC-TTTP-P1 ngày 29/12/2016 do Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Tuấn Dũng ký ban hành, nhưng cũng chính văn bản này chứa đựng nhiều nội dung bất thường của sự “che đậy” có hệ thống.

Bản báo cáo nói trên không chỉ bác bỏ hoàn toàn khiếu nại của gia đình bà Nguyễn Thị Hải Thơm và ông Kiều Quang Thăng đối với Điều 2 của Quyết định số 4416/QĐ-UBND ngày 25/8/2014 mà còn tố ngược bà Thơm, ông Thăng đã có hành vi tự ý khóa cửa, chiếm dụng diện tích 7,4m2 tầng 2 nhà số 75 Lê Hồng Phong là vi phạm Luật Nhà ở, Điều 45 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Được nước làm tới, Thanh tra Hà Nội “đổ” luôn cho nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tây cũ là ông Nguyễn Hữu Thành ban hành Quyết định tạm giao sử dụng nhà cho ông Kiều Quang Thăng trái thẩm quyền. Đồng thời cho rằng, vị nguyên Giám đốc Sở Xây dựng là nguyên nhân dẫn đến các khiếu nại phức tạp và phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Và càng nực cười hơn với cách lý giải của Thanh tra Hà Nội khi đưa ra nhận xét, “Nhà 75 Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông có 2 tầng, mỗi tầng có 2 phòng trên tổng diện tích đất 35,7m2 trước đây là trụ sở làm việc của Ban Xây dựng cơ bản thuộc Sở Xây dựng Hà Tây. Khi căn nhà này chưa được chuyển đổi công năng sử dụng và chưa đưa vào quản lý theo quy định thì Sở Xây dựng đã bố trí cho các hộ sử dụng. Năm 1989, Ban Xây dựng cơ bản đã giao cho ông Lưu Xuân Minh ở và trông nom toàn bộ ngôi nhà (Phải chăng đơn vị cấp dưới của Sở Xây dựng giao cho ông Lưu Xuân Minh ở thì đúng luật, đúng thẩm quyền? - PV). Năm 1993, Giám đốc Sở Xây dựng đã giao cho bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết được sử dụng phòng 9m2 tại tầng 1 (gara ô tô) và năm 2001, Giám đốc Sở Xây dựng có Quyết định 185/QD-XD tạm giao cho ông Thăng sử dụng toàn bộ tầng 2 và phần diện tích tầng 1 là trái thẩm quyền. Ngoài ra khi giao nhà cho ông Thăng tại tầng 2 có diện tích phòng 7,4m2 cho ông Minh đang sử dụng nhưng Giám đốc Sở Xây dựng không kiểm tra, vẫn giao cho ông Thăng sử dụng, đây là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp khiếu nại phức tạp giữa ông Thăng và ông Minh sau này. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Sở Xây dựng trước đây.

Quyết định 4416/QĐ-UBND ngày 25/8/2014 của UBND thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, để bao biện cho Quyết định của UBND thành phố Hà Nội, Thanh tra Hà Nội cho biết, việc tranh chấp sử dụng phòng 7,4m2 tầng 2 giữa ông Thăng và ông Minh đã được UBND thành phố giao các ngành kiểm tra xem xét. Sau đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 4416/QĐ-UBND ngày 25/8/2014 về việc thu hồi chuyển đổi công năng từ nhà công sở sang nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và giải quyết cho 3 hộ dân gia đình ông Thăng, ông Minh, bà Tuyết đang sử dụng nhà tại số 75 Lê Hồng Phong được phép ký hợp đồng thuê nhà ở (trong đó cho nhà ông Minh được ký được ký hợp đồng thuê cả diện tích phòng 7,4m2 và 2,6m2 ban công tầng 2). Giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành thực hiện việc quản lý, hoạch định diện tích sử dụng và ký hợp đồng thuê nhà cho 3 hộ là đúng theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Điều 23 Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ (nay là Điểm a, Khoản 1 Điều 40 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015).

Cuối bản báo cáo, Thanh tra Hà Nội kiến nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan thực hiện Điều 3 Quyết định 4416/QĐ-UBND.

Sau hơn 3 năm, người dân mòn mỏi đi khiếu nại, khiếu kiện khắp nơi vẫn chưa tìm thấy công lý thì những người được coi là cán bộ kia lại có thái độ dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm đến thế là cùng.

Trong hai câu chuyện này, một đã dần được khép lại dù phải hứng chịu rất nhiều “gạch đá” từ phía dư luận, một vẫn còn dang dở đến nay chưa có hồi kết. Âu chăng, cũng là vì chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu thành phố.

Chính vì thế, nếu còn dung dưỡng, “những con sâu không chỉ làm rầu nồi canh” mà còn phá hỏng cả niềm tin của nhân dân vào sự chỉ đạo, điều hành của bộ máy công quyền Thủ đô.

* Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Thiên Minh - 16:31 09/08/2017

Chưa từng thấy trong tiền lệ của thủ đô văn minh. Mới đó còn là việc xin cấp giấy chứng tử, giờ lại gọi cả người chết.

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều